Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc tại doanh nghiệp Nhật Bản
Trả lời có/không một cách chân thực, rành mạch cho những điều biết hay không biết, có kinh nghiệm hay chưa từng làm là những yếu tố cơ bản để tạo dựng cảm giác tin cậy cho người phỏng vấn.
Hiện nay có khá nhiều bạn muốn sang Nhật Bản để xin việc, tuy nhiên việc phỏng vấn ở các nước này khá khó. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn có thể qua vòng phỏng vấn
Du học Nhật Bản: Nhiều bạn du học sinh Việt Nam sang Nhật còn nhiều lo lắng việc phỏng vấn ở các công ty Nhật, sau đây tôi xin chia sẻ lại một bài viết tổng hợp kinh nghiệm của những người Việt Nam đã và đang làm việc tại Nhật. Qua sự chia sẻ này mong rằng các bạn có thể tìm được việc làm tốt trong quá trình học tập hoặc sau này khi ra trường.
Nhìn lại quá trình từ khi xin học bổng, tìm kiếm cơ hội sang Nhật tham dự chương trình giao lưu với sinh viên nước bạn, cho đến khi xin được việc làm và mới đây là chuyển việc thành công vào công ty mong muốn, mình nhận thấy kỹ năng phỏng vấn là yếu tố quan trọng có tính chất quyết định trực tiếp trên suốt chặng đường đi của bản thân. Với hy vọng giúp các bạn tự tin hơn trong cuộc chạy đua tìm việc làm sắp tới, mình xin chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ, kinh nghiệm nhỏ sau nhiều lần trải qua các cuộc phỏng vấn xin việc làm ở Nhật.
1
Ở Nhật cạnh tranh rất cao
Phỏng vấn, đặc biệt là phỏng vấn xin việc làm với tính chất “cạnh tranh” của nó đòi hỏi ở bạn rất nhiều yếu tố để thành công. Phỏng vấn là tiếp điểm thiết yếu giữa nhà tuyển dụng và bạn – người đi xin việc, qua đó bạn phải chứng minh được với nhà tuyển dụng rằng chính bạn – chứ không phải ai khác – là người mà họ đang cần. Để làm được điều đó, sự chuẩn bị chu đáo là hết sức cần thiết.
Mình tin chắc là các bạn cũng đã từng trải qua rất nhiều lần phỏng vấn và cũng đã rút ra được những kinh nghiệm nhất định. Vậy đã bao giờ bạn bắt đầu phỏng vấn với tâm trạng rất hồi hộp, lo lắng, không che giấu nổi sự bối rối giữa lúc bị đặt câu hỏi, hay kết thúc buổi hôm đó với tâm trạng không hài lòng, phân vân không thể hình dung nổi kết quả sẽ ra sao chưa? Riêng mình thì đã từng trải qua vài lần, và sau những lần tự kiểm điểm, mình tự nhận thấy sự chuẩn bị của mình chưa tốt, đặc biệt là về mặt tinh thần.
2
Tâm thái tốt để nói tiếng Nhật lưu loát
Để tạo dựng trạng thái tâm lý ổn định, thay vì tính toán nhiều đến việc nói tiếng Nhật lưu loát hay không, bạn hãy để ý xem mình có những gì để thể hiện với người phỏng vấn. Trước tiên, bạn nên tự đặt câu hỏi cho chính mình để xác định rõ sở trường, sở đoản, những dự định tương lai v.v… Trả lời có/không một cách chân thực, rành mạch cho những điều biết hay không biết, có kinh nghiệm hay chưa từng làm là những yếu tố cơ bản để tạo dựng cảm giác tin cậy cho người phỏng vấn. Cần chú ý là với những điểm bạn đã trả lời “Có”, bạn có thể được sử dụng một khoảng thời gian nhỏ để nói thêm về nó, và hãy tận dụng tối đa cơ hội quý báu này để thể hiện sự tin của mình vào cái mà mình làm được đó (vì hầu hết cái mà bạn đang nói chính là cái mà nhà tuyển dụng đang kỳ vọng sẽ khai thác được từ bạn). Ngược lại, về những điểm bạn trả lời “Không”, hoàn toàn không có gì phải ngần ngại khi nói về chúng, bởi lẽ theo cách tư duy của người Nhật thì không ai không làm được việc nếu được đào tạo cơ bản từ đầu. Ngay cả khi bạn thiếu một vài kỹ năng, chỉ cần cho họ thấy bạn sẵn sàng tiếp thu kiến thức, rèn luyện bản thân để đáp ứng yêu cầu của họ là đủ.
3
Tạo ấn tượng với người Nhật
Bên cạnh đó, bạn hãy ngẫm lại xem với phong cách của mình điểm nào là điểm có thể gây được sự chú ý đặc biệt? Chẳng hạn: bạn là người có khả năng ứng xử khôn khéo, có khiếu hài hước, hay người biết lắng nghe và đáng tin cậy? Qua đó, bạn sẽ biết phải điều chỉnh biểu hiện qua khuôn mặt, cử chỉ như thế nào để làm nổi bật tính cách và khắc phục nhược điểm. Nhìn chung, một vài đòi hỏi căn bản của tác phong phỏng vấn mà mình luôn tuân thủ là: cố gắng giữ cái nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn khi trao đổi, giữ một vẻ mặt tươi tỉnh, không sử dụng nhiều cử chỉ tay chân khi nói chuyện. Đặc biệt, nói với tốc độ chậm vừa, dễ nghe sẽ giúp bạn hạn chế được nhiều khiếm khuyết, cụ thể là sai sót khi nói tiếng Nhật. Bản thân mình không phải là người nói tiếng Nhật tốt, tuy nhiên nhờ điều chỉnh tốc độ nói vừa phải để điều chỉnh tư duy và ngôn ngữ, mình dần dần cảm thấy tiếng Nhật quả thực không phải là trở ngại.
4
Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản để chuẩn bị sẵn các câu hỏi phù hợp
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc làm ở Nhật Bản – 2
Cuối cùng, để có một buổi phỏng vấn viên mãn, bạn cần có thêm một vài bước chuẩn bị nữa. Bạn hãy chuẩn bị sẵn những câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng vì có thể họ sẽ yêu cầu bạn đặt câu hỏi. Tất nhiên, người đặt được câu hỏi tốt được đánh giá là người đã chịu khó tìm hiểu thông tin và thực sự quan tâm đến công việc mà mình đang mong muốn xin vào. Bạn nên xem kỹ thông tin về nơi bạn xin vào để có thể chọn lọc được cho riêng mình những câu hỏi “sát sườn” nhất. Ngoài ra, hãy lựa chọn những khoảnh khắc phù hợp để thay đổi không khí. Chẳng hạn khi được hỏi chuyện, hãy luôn mỉm cười ngay khi cất tiếng trả lời, khi người phỏng vấn hỏi chuyện đầy khí thế, hãy cười nhẹ để thể hiện sự hứng thú của mình và nếu có thể thì đừng ngần ngại thêm một vài câu nói dí dỏm nho nhỏ. Mình tin chắc rằng nếu bạn có được một cuộc trò chuyện hào hứng với người phỏng vấn, bạn có quyền tin tưởng về khả năng thành công của mình sau ngày hôm đó.
Hy vọng sau khi đọc những chia sẻ trên đây của mình, các bạn đã có được sự đối chiếu cần thiết với bản thân và chuẩn bị tốt hơn khi bước vào các cuộc phỏng vấn sắp tới.
Leave a Reply