5 nghịch lý trong cuộc sống gia đình hiện đại cần nắm rõ
Những huyên náo ồn ào rồi sẽ khiến bạn mệt mỏi. Chỉ có một nơi mãi mãi không bao giờ thay đổi, một nơi bình yên sẵn sàng mở cửa đón bạn bất cứ lúc nào. Đó chính là gia đình.
Những ngôi nhà ngày càng to nhưng gia đình ngày một thu nhỏ lại, nhà đẹp hơn, gia đình yên ấm ít hơn… Đó là ngưịch lý trong những gia đình hiện đại.
Các cặp vợ chồng trẻ, khi mới lấy nhau về thường bị cuốn theo những lo toan cuộc sống, chăm sóc con cái và gây dựng gia đình. Gánh nặng đè lên vai cả vợ và chồng, khiến họ đôi khi quên đi những việc bình thường như cùng nhau quây quần bên mâm cơm tối, chia sẻ về công việc trong ngày hay đơn giản là ngồi nói chuyện với nhau. Các con cũng mất dần thói quen chia sẻ với bố mẹ, khi mà không lúc nào nói chuyện được, chúng tìm đến các thú vui khác như trò chơi điện tử, tivi… để giải khuây. Các cuộc hội thoại trong gia đình vốn đã ít thời gian cho nhau ngày càng bị cắt bớt.
Gia đình của các cặp vợ chồng trẻ, hiện đại phải đối mặt với nhiều nghịch lý, mà đôi khi biết, nhiều người cũng khó lòng sắp xếp được công việc để cân bằng lại cuộc sống gia đình.
1
Nhà ngày một to hơn, nhưng gia đình thu nhỏ lại
Làm lụng vất vả suốt 5 năm trời, vợ chồng anh Hoàng Anh mới xây được căn nhà 3 tầng khang trang, thay thế cho nhà cấp bốn cũ kỹ bố mẹ để lại. Những tưởng, cuộc sống sẽ êm đẹp hơn, nhưng mọi thứ dường như đang đi theo hướng khác.
“Ban ngày, vợ chồng tôi và hai cháu đều đi học, đi làm, chỉ có tối đến mới gặp nhau. Thế nhưng, nhiều hôm ăn cơm xong là các con lên phòng, có khi học bài, có lúc chơi game, ít khi ngồi dưới phòng ăn trò chuyện cùng bố mẹ. Vợ tôi thì lo rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, tôi đành ngậm ngùi lên phòng. Có khi cả tuần, các con cũng chẳng kể gì cho tôi nghe. Tôi không biết cuộc sống ở trường của con thế nào”, anh Hoàng Anh kể về tình trạng hiện tại của gia đình mình.
Khi không gian gia đình rộng mở hơn, thì dường như mỗi thành viên trong đó lại thu hẹp tâm hồn mình, ít cởi mở và chia sẻ hơn trước.
Những ngôi biệt thự, những căn chung cư cao cấp nhiều phòng với cánh cửa dày khép kín là rào cản cho những buổi chuyện trò chung của gia đình. Còn đâu những bữa cơm thân mật, khi cả nhà quây quần bên chiếc tivi cũ, vừa xem, vừa kể cho nhau những câu chuyện công việc, trường lớp hàng ngày.
2
Càng nhiều tiện nghi, càng ít thời gian cho nhau
Công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính… đưa con người trở nên gần nhau hơn nhưng khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách. Nhiều bà mẹ than thở, về đến nhà là con nghịch iPad, bố lấy điện thoại đọc báo, nhưng ít khi trò chuyện với nhau. Trong một căn phòng ngủ rộng hơn 10 m2 nhưng mỗi người một việc và dường như không ai liên quan đến ai.
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình, khi trẻ nhỏ được tiếp xúc với đồ công nghệ từ rất sớm, bố mẹ không cấm cản, thậm chí xem đó là xu hướng bình thường. Vật chất ngày càng thừa thãi, nhưng tình yêu thương luôn thiếu thốn.
Công nghệ hiện đại khiến người ta vươn xa đến tầm quốc tế, rút ngắn khoảng cách địa lý nhưng lại làm gia tăng khoảng cách gia đình. Có bao giờ trong gia đình bạn, dù ở chung một căn phòng chỉ 10 mét vuông, nhưng người thì chúi đầu vào laptop, người lại cắm cúi vào điện thoại di dộng với những người bạn ảo của mình?
3
Nói quá nhiều, ít lắng nghe
Stress trong công việc, cuộc sống khiến nhiều người có xu hướng “xả” ra bằng lời nói, ngược lại, họ ít khi ngồi tĩnh tâm, lắng nghe tâm sự của vợ hay những bức xúc của chồng mình. Chị Vân Kiều (Lạng Sơn) từng rất ân hận vì không dành thời gian nghe con trai nói chuyện. “Thỉnh thoảng về nhà, cháu có kể chuyện ở lớp nhưng tôi hoặc đang bận nấu cơm, lúc lại nói chuyện điện thoại với bạn nên nghe khá bập bõm. Nhiều lần như thế, nó không chia sẻ với mẹ nữa. Đến khi cô giáo gọi điện, mời bố mẹ lên gặp vì con đánh bạn ở lớp, tôi mới giật mình”, chị Kiều kể.
Cuộc sống hối hả với những áp lực từ công việc, từ cơm – áo – gạo – tiền khiến người ta chỉ muốn “xả” ra với những điều bức xúc trong lòng mình mà quên mất “lắng nghe”, để thấu hiểu, để biết rằng, những gánh nặng đó chẳng của riêng ai.
4
Đi nhiều, hiểu rộng nhưng quên tình hàng xóm
Cuộc sống khấm khá lên, cũng là lúc các cặp vợ chồng trẻ có điều kiện đi du lịch đây đó, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng có một nghịch lý là ít người quan tâm hay có thời gian bước sang nhà hàng xóm chơi. Câu nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” giờ đây đã không còn hoàn toàn đúng. Cánh cửa giữa các ngôi nhà ở cạnh nhau luôn đóng chặt và việc qua lại nhà thăm nhau giữa những người hàng xóm ngày càng trở nên ít đi.
Nhiều người có thể dành cả tiếng đồng hồ để nghe một người bạn chưa từng gặp mặt, nhưng không thể dành đôi ba phút để thăm hỏi người hàng xóm cạnh nhà. Có lẽ họ đã quên mất câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
5
Nhiều hình thức giải trí nhưng ít khi thoải mái
Đồ công nghệ, trung tâm vui chơi, các cuộc đi chơi xa… là một trong nhiều hình thức giải trí hiện nay, thế nhưng ít người có được sự thoải mái. Cuộc sống quá xô bồ, đông đúc, ồn ã ngày càng làm tăng stress. Không gian thoáng đãng ở các thành phố lớn ngày càng thu hẹp, ít không khí trong lành… khiến cuộc sống ngột ngạt hơn, dù các hình thức giải trí từ công nghệ vẫn rất nhiều.
Các thiết bị di động tích hợp đủ chức năng nghe nhạc, xem phim với hàng chục trò chơi điện tử giúp bạn giải trí bất cứ lúc nào. Nhưng rồi, bạn giật mình nhận ra, từ công việc đến giải trí vẫn chỉ là những thiết bị điện tử mà thôi. Bạn có nhớ nổi lần cuối cùng mình thư thả đi dạo ngắm bình minh, hít thở không khí trong lành, để cho cả cơ thể và tâm hồn hòa vào thiên nhiên là khi nào không?
6
Tạm kết
Mọi thứ trên đời này đều có thể thay đổi. Những hào nhoáng có thể biến mất. Bạn thành công không có nghĩa không có lúc thất bại. Những huyên náo ồn ào rồi sẽ khiến bạn mệt mỏi. Chỉ có một nơi mãi mãi không bao giờ thay đổi, một nơi bình yên sẵn sàng mở cửa đón bạn bất cứ lúc nào. Đó chính là gia đình. Bởi vậy, đừng quên dành thời gian cùng người thân vun đắp những khoảnh khắc ngọt ngào và đáng nhớ.
Leave a Reply